Đau mắt hột là căn bệnh có lẽ không quá xa lạ đối với mọi người. Đây là một bệnh lý về mắt nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề. Và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa có thể phòng ngừa được trên toàn thế giới. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh đau mắt hột và các triệu chứng thường gặp của bệnh lý về mắt này.
BỆNH MẮT HỘT LÀ BỆNH GÌ?
Mắt hột là một viêm kết giác mạc lây lan mãn tính. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Chlamydia Trachomatis nhóm A, B, Ba và C. Trong giai đoạn lây bệnh, viêm nhiễm, bệnh thể hiện đặc trưng bằng các hột kèm theo thẩm lậu lan toả và phì đại gai nhú trên kết mạc và màng máu trên kết mạc. Bệnh mắt hột có thể tiến triển đến khỏi tự nhiên, hoặc đến tình trạng sẹo hoá kết mạc, có thể gây nên biến chứng lông quặm, lông xiêu và nếu không chữa trị có thể dẫn đến mù mắt.
TRIỆU CHỨNG BỆNH MẮT HỘT
Đau mắt hột giai đoạn I
- Thường biểu hiện âm thầm, không có dấu hiệu chủ quan và được phát hiện khi thăm khám tổng quát.
- Kết mạc sụn mí mắt trên thẩm lậu nhẹ, che lấp một phần mạch máu. Hột nhỏ màu trắng vàng cỡ đầu đinh ghim rải rác khắp kết mạc sụn mi trên.
- Có một số hột trong suốt và một số hột nhỏ xếp thành đám ở bờ trên sụn mi và kết mạc.
- Hiếm khi có nốt sần ở kết mạc sụn mi dưới.
Đau mắt hột giai đoạn II
- Các triệu chứng chủ quan thường không áp đảo. Khi thức dậy vào buổi sáng, có một chút tiết tố chảy ra từ mắt.
- Kết mạc sần sùi, mạch máu bị che bởi thẩm lậu.
- Gai nhú mọc nhiều và tập trung ở 2 khóe mi.
- Nhiều hột lớn, dễ vỡ, tiết ra một chất nhầy cụ thể.
- Thấy đầy đủ các tuổi của mắt hột: tiền hột, hột to, hột hoại tử, có ít sẹo kết mạc đặc hiệu.
- Một màng máu mỏng có thể nhìn thấy được.
Đau mắt hột giai đoạn III
- Giai đoạn này là dài nhất. Thông thường, có sự xen kẽ giữa các dấu hiệu hoạt tính (nhú gai, thẩm lậu, hột) và các dấu hiệu ổn định (sẹo).
- Một đặc điểm nữa của giai đoạn này là dễ xảy ra các biến chứng như cụp mi, lông xiêu.
Đau mắt hột giai đoạn IV
- Mắt hột lành sẹo. Trên kết mạc không có yếu tố hoạt tính, chỉ có sẹo ở các mức độ khác nhau.
- Từ giai đoạn III, chúng ta có thể thấy màng máu trên giác mạc khi khám. Màng máu này sẽ rõ hơn khi kiểm tra bằng kính hiển vi và sẽ lộ một lỗ lõm trên giác mạc được gọi là lõm hột của Herbert.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA BỆNH MẮT HỘT
Đau mắt hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bệnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau mắt hột bao gồm:
- Điều kiện sống thấp cho phép vi khuẩn truyền nhiễm tồn tại và phát triển.
- Điều kiện sống đông đúc, những người sống trong không gian hạn chế cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
- Vệ sinh kém và thiếu vệ sinh tay, đặc biệt là mắt khiến bệnh dễ lây lan hơn
- Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi dễ mắc bệnh đau mắt hột nhất.
- Điều kiện vệ sinh kém, không có nhà vệ sinh, hay có các sinh vật như ruồi, nhặng…nên dễ lây lan, bùng phát thành dịch.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU MẮT HỘT
1. Điều trị nội khoa
Đau mắt hột do vi khuẩn gây ra nên cần dùng kháng sinh để điều trị. Phác đồ kháng sinh được cung cấp bao gồm:
- Thuốc kháng sinh azithromycin (1 liều mỗi năm) được dùng trong những trường hợp không có biến chứng. Thuốc tiêu diệt vi khuẩn và mắt tự lành. Điều trị có thể cần được lặp lại sau mỗi 6 đến 12 tháng. Nhưng thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ có cân nặng dưới 8kg, trẻ em dưới 1 tuổi…
- Thuốc kháng sinh Erythromycin dùng 3 ngày/ lần và liên tiếp trong 3 tuần.
- Bôi thuốc mỡ Tetracyclin 1%, bôi 2 lần/ngày trong 6 tháng. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng tốn nhiều thời gian và bệnh nhân dễ quên.
Ngoài các loại thuốc trên, bệnh nhân cần kết hợp lưu ý các điều sau để quá trình điều trị có hiệu quả:
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, đặc biệt là nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý để rửa mắt.
- Để chống khô mắt bệnh nhân có thể tra nước mắt nhân tạo và bổ sung vitamin đầy đủ.
- Tuyệt đối không dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân với các thành viên trong gia đình.
2. Điều trị ngoại khoa
Trong một số trường hợp, thuốc có thể không hoạt động tốt. Lúc này, các bác sĩ thường phải tính đến phương pháp phẫu thuật để hạn chế ảnh hưởng của biến chứng đối với người bệnh.
Đặc biệt khi xuất hiện lông mi mọc ngược, người bệnh cần kết hợp phẫu thuật cắt quặm ngay lập tức. Đây là biện pháp điều trị khẩn cấp và cần thiết để giảm nguy cơ mù lòa do lông mọc ngược.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH MẮT HỘT
Bệnh đau mắt hột có thể bị tái nhiễm nếu bạn không biết cách bảo vệ mắt. Để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh, cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng. Dưới đây là một số biện pháp an toàn để chống bệnh mắt hột:
- Không dùng các phương pháp tác động vật lý vào hột trên mắt, những phương pháp điều trị này không loại bỏ mầm bệnh mà gây tổn thương nặng nề cho kết mạc, gây sẹo giác mạc.
- Giữ tay sạch sẽ, không dụi mắt, nhất là với trẻ em.
- Rửa mặt bằng nước sạch và sử dụng khăn sạch, riêng.
- Không tắm ao, hồ nước bẩn để tránh bắn vào mắt.
- Ra đường đeo kính để tránh gió bụi, về nhà rửa mặt sạch sẽ.
- Diệt ruồi nhặng truyền bệnh.
- Nếu bạn bị kích ứng mắt, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Lưu ý: Bài viết trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế chỉ định và cách điều trị của bác sĩ. Vui lòng liên hệ với Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn cụ thể.