Giang mai bẩm sinh là một bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai sẽ lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây nhiễm vi khuẩn giang mai qua các vết loét trong quá trình sinh thường. Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về Bệnh giang mai bẩm sinh được lây từ mẹ sang thai nhi và các triệu chứng, biến chứng của căn bệnh nguy hiểm này.
BỆNH GIANG MAI BẨM SINH LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Là bệnh lây truyền qua đường tình dục mà nguyên nhân chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn.
Người mẹ mắc bệnh giang mai có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai, gây nhiễm trùng cho thai nhi và làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Khi mang thai, thai nhi mắc bệnh giang mai từ trong bụng mẹ và trẻ sinh ra sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm bệnh từ mẹ khi chúng được sinh thường bằng đường âm đạo.
BỆNH GIANG MAI LÂY TỪ MẸ SANG CON NHƯ THẾ NÀO?
Triệu chứng bệnh giang mai ở hầu hết phụ nữ mang thai rất khó nhận biết do không biểu hiện rõ rệt như ở phụ nữ không mang thai nên thường không được phát hiện kịp thời.
Đồng thời, các tổn thương của giang mai thời kỳ thai sản thường không có đặc điểm riêng nên rất khó phát hiện. Do đó, người mẹ dễ truyền bệnh cho thai nhi và gây ra giang mai bẩm sinh.
Sự lây truyền giang mai từ mẹ sang con xảy ra vào khoảng tháng thứ 4 và thứ 5 của thai kỳ khi nhau thai cho phép máu mẹ trao đổi dễ dàng với máu thai nhi, tạo cơ hội cho xoắn khuẩn đi qua mạch máu rốn và lây bệnh giang mai cho thai nhi.
BIỂU HIỆN CỦA BỆNH GIANG MAI BẨM SINH Ở TRẺ
Biểu hiện giang mai bẩm sinh sớm
- Đối với những biểu hiện giang mai sớm thường sẽ xuất hiện trong 2 năm đầu đời của trẻ. Với những trường hợp nhẹ, lúc mới sinh sẽ không có dấu hiệu gì bất thường, nhưng tử 6 đến 8 tuần sau sẽ xuất hiện những tổn thương như: bọng nước ở lòng bàn tay và bàn chân, vết nứt ở mép hoặc quanh lỗ mũi, chảy nước mũi lẫn máu, khó thở…
- Trong 6 tháng đầu đời, trẻ có thể bị viêm xương và sụn ở các xương dài với những biểu hiện: biểu hiện cứng xương, biểu hiện nhức đầu xương, làm trở ngại vận động các chi hay viêm xương sụn giả liệt Parrot - với triệu chứng đau ở đầu xương dài về đêm do đầu xương rời khỏi thân xương, dẫn đến liệt;
- Tình trạng viêm các đầu xương và màng xương ở khớp ngón tay, ngón chân có thể xảy ra khi trẻ 2 tuổi.
Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn
- Biểu hiện giang mai muộn xuất hiện khi trẻ lên 3 tuổi, đôi khi là 5 - 6 tuổi hoặc đến tuổi trưởng thành mới có biểu hiện bệnh. Những trường hợp không có triệu chứng lâm sàng nên được gọi là thời kỳ giang mai kín.
- Viêm khớp gối nước ở cả hai bên, không đau và xuất hiện lặng lẽ từ 10 đến 20 tuổi. Từ 10 tuổi sẽ bắt đầu có triệu chứng bị điếc cả hai tai và kèm theo triệu chứng viêm mống mắt kẽ.
- Tổn thương xương với biểu hiện thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm.
BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH GIANG MAI BẨM SINH?
Bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ em nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Phá hủy hệ thống xương: Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể của trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và không ngừng làm tổn hại đến cấu trúc xương gây tình trạng đau xương và chậm phát triển.
- Thần kinh phát triển bất thường: Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào tế bào não làm ảnh hưởng đến thần kinh gây ra biến chứng viêm não.
- Khuôn mặt bị biến dạng: Xoắn khuẩn giang mai bẩm sinh khiến khuôn mặt trẻ bị biến dạng như hở hàm ếch, xương chày bị dị tật, xương mũi bị thấp hoặc xẹp.
- Suy giảm thị lực, thính lực: Xoắn khuẩn giang mai cũng làm ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và thính giác khiến trẻ mất đi khả năng phản xạ với ánh sáng và tiếng ồn. Nguy cơ sẽ bị điếc và mù.
- Nguy cơ gây tử vong: Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh giang mai bẩm sinh đó là xoắn khuẩn giang mai tấn công vào tim, điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy tim, có thể tử vong ngay lập tức.
TẦM SOÁT BỆNH GIANG MAI KHI MANG THAI
- Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giang mai khi mang thai, phụ nữ mang thai nên được sàng lọc nhiễm giang mai trong ba tháng đầu, trước khi có khả năng lây nhiễm cho thai nhi. Thực hiện xét nghiệm máu ít nhất 3 lần trong thai kỳ.
- Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Tuân thủ nguyên tắc tình dục an toàn 1 bạn tình và có lối sống sinh hoạt tích cực để nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe.
- Những người mẹ nghi ngờ bị nhiễm bệnh giang mai trong thời kỳ thai nghén thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế để thực hiện những xét nghiệm cần thiết để phát hiện kịp thời và có cách xử lý phù hợp tránh trường hợp lây nhiễm cho thai nhi.