Hẹp bao quy đầu ở trẻ không phải là tình trạng xa lạ đối với trẻ sơ sinh nam. Các báo cáo cho thấy khoảng 96% trẻ sơ sinh nam khi sinh ra bị hẹp bao quy đầu. Tuy vậy vẫn có nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự để ý đến vấn đề này dẫn đến chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc và theo dõi để có thể kịp thời can thiệp y tế. Hãy cùng đọc qua bài viết sau để biết về tình trạng trẻ bị hẹp bao quy đầu.
Trẻ bị hẹp bao quy đầu là như thế nào?
Hẹp bao quy đầu là tình trạng lớp da vòng quanh bao quy đầu bị hẹp, không thể tự tuột xuống để lộ ra đầu dương vật. Hiện tượng này khiến cho bao quy đầu không thể tách khỏi phần quy đầu. Hẹp bao quy được chia ra làm 2 loại:
- Hẹp bao quy đầu sinh lý: Là hiện tượng xuất hiện bẩm sinh, có thể nhìn thấy được ngay từ khi bé trai mới sinh ra. Hiện tượng bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên có tác dụng bảo vệ phần quy đầu và lỗ tiểu của trẻ sơ sinh. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và phần lớn các bé trai sơ sinh (khoảng 96%) đều bị hẹp bao quy đầu sinh lý. Khi lớn lên hiện tượng này cũng sẽ giảm dần, bao da sẽ tự tuột xuống.
- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Là hiện tượng bao quy đầu hẹp do sự xuất hiện của sẹo xơ. Những sẹo này hình thành do viêm nhiễm nhiều lần ở phần quy đầu mà trong đó nhiều lần hơn cả là những trường hợp bị dài bao quy đầu. Do đó mà với trường hợp hẹp bao quy đầu do bệnh lý sẽ không thể tự khỏi và cần có phương pháp điều trị.
Dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở trẻ
Trẻ bị hẹp bao quy đầu sẽ có các dấu hiệu như:
- Phần da ở quy đầu không thể kéo tuột xuống được hoặc chỉ để hở một lỗ tiểu nhỏ.
- Nước tiểu khó chảy hết ra ngoài khiến dương vật bị sưng phồng lên, sau đó mới có thể chảy hết ra ngoài được.
- Khi đi tiểu trẻ phải dùng sức để rặn.
- Lượng nước tiểu của mỗi lần đi tiểu ít, tia nước tiểu bắn ra yếu và thường không bắn ra theo đường thẳng mà tạt sang ngang.
- Bao quy đầu khi lộn ra thường thấy những mảng trắng ở phần quy đầu.
Ảnh hưởng khi trẻ bị hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu ở trẻ có gây ra hậu quả và ảnh hưởng gì đến trẻ không là những thắc mắc mà các bậc phụ huynh quan tâm. Trẻ bị hẹp bao quy đầu sẽ có thể gặp phải những ảnh hưởng dưới đây.
Mắc bệnh viêm bao quy đầu do hẹp bao quy đầu ở trẻ
Nguyên nhân là do bao quy đầu hẹp khó vệ sinh khiến vi khuẩn có cơ hội tích tụ, sinh sôi nảy nở, gia tăng số lượng và lây lan, lâu ngày gây ra hiện tượng viêm nhiễm. Nếu tình trạng này không được xử lý sớm còn có thể gây viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, ung thư hoặc tệ hơn là hoại tử dương vật.
Trẻ bị hẹp bao quy đầu gây ra tình trạng nghẹt quy đầu
Bao quy đầu bị hẹp không thể tự lột mà phải dùng tay. Tuy nhiên, sau khi tuột bao da quy đầu có thể không kéo phủ trở lại được. Kể cả khi dương vật cương cứng, bao da vẫn căng và phủ quanh dương vật, từ đó khiến máu khó lưu thông, gây nghẹt. Tình trạng này kéo dài khiến quy đầu bị sưng tấy, phù nề, thậm chí nguy hiểm hơn cả là hoại tử quy đầu.
Cản trở sự cương cứng
Điều này thường sẽ xảy ra khi trẻ lớn lên và ở độ tuổi trưởng thành. Bao quy đầu hẹp sẽ gây ra hiện tượng đau hoặc sưng khi cương cứng, quá trình quan hệ tình dục bị cản trở.
Một số cách điều trị hẹp bao quy đầu cho trẻ
Tuy rằng khi trẻ lớn bao quy đầu sẽ có thể tự tuột nhưng nếu sau 5 tuổi cha mẹ vẫn thấy bao quy đầu của con không tự lột thì hãy suy nghĩ đến cách điều trị. Để biết cách điều trị phù hợp thì cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu của con mình là do sinh lý hay bệnh lý. Dưới đây là một số cách điều trị hẹp bao quy đầu do sinh lý cho trẻ mà cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng.
Kéo da quy đầu
Với bài tập kéo căng da quy đầu, cha mẹ có thể chữa được tình trạng hẹp bao quy đầu cho con. Quy trình thực hiện theo các bước sau:
- Thoa chất bôi trơn lên dương vật của bé (có thể là Baby Oil, sáp Vaseline hoặc các tinh chất dưỡng thể loại lành tính, chuyên dùng cho trẻ em).
- Dùng tay kéo nhẹ nhàng da quy đầu ra phía trước, cố gắng kéo càng xa càng tốt. Thực hiện nhiều lần thao tác này.
- Từ từ kéo ngược bao quy đầu lại phía sau và giữ trong vài phút.
Đối với bài tập này cần thực hiện kiên trì 2 - 3 lần/ngày và ít nhất trong 1 - 2 tháng. Trong quá trình thực hiện cần cẩn thận, nhẹ nhàng nhất có thể để tránh làm đau bé. Có thể thay đổi môi trường thực hiện bằng cách ngâm bé trong làn nước ấm để phân tán tư tưởng của bé, giúp bé thoải mái, dễ chịu và hợp tác hơn. Nếu sau 2 tháng thực hiện mà kết quả không như mong đợi, cần tìm biện pháp khác.
Sử dụng thuốc bôi
Thực chất biện pháp này vẫn thực hiện kéo căng phần da của bao quy đầu nhưng có sử dụng thêm thuốc trong quá trình kéo nhằm tăng hiệu quả. Lưu ý là trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ đều cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thông thường thuốc bôi hẹp bao quy đầu ở trẻ em sẽ là thuốc mỡ Betamethasone 0,05%, có tác dụng thúc đẩy quá trình căng da, giúp da quy đầu mỏng và dễ kéo căng. Bố mẹ có thể sử dụng thuốc kết hợp với thao tác kéo da quy đầu như đã hướng dẫn ở trên. Chỉ khác là trước lúc thực hiện sẽ bôi một lượng thuốc vừa đủ vào cả phần trong lẫn phần ngoài của bao quy đầu. Cần thực hiện kiên trì 2 - 3 lần/ngày và ít nhất trong 3 tháng. Sau thời gian này, nếu tình hình vẫn không cải thiện thì có thể nghĩ đến việc phẫu thuật.
Nong bao quy đầu
Nong bao quy đầu là phương pháp tiểu phẫu dành cho trẻ bị hẹp bao quy đầu. Quy trình kỹ thuật rất đơn giản và nhanh gọn, sau 3 - 5 phút là có thể hoàn thành ca tiểu phẫu. Quan trọng nhất là vấn đề sau khi tiểu phẫu xong cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc cẩn thận bởi lúc này bé có thể bị đau, chảy máu ở phần quy đầu.
Cắt bao quy đầu
Phương pháp này được khuyến khích dành cho những trẻ lớn (thanh thiếu niên) đã bước vào độ tuổi dậy thì mà bao quy đầu vẫn còn quá khít, các kỹ thuật đã kể trên khó thực hiện và không mang lại hiệu quả thì sẽ được bác sĩ chỉ định cắt bao quy đầu.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê xung quanh dương vật, chuẩn bị dụng cụ cắt rồi tiến hành cắt, mở rộng bao quy đầu và loại bỏ vòng hẹp. Sau khi phẫu thuật thường sẽ gây sưng và đau cho dương vật nên cần được chăm sóc hậu phẫu đúng cách để nhanh chóng bình phục.
Nói tóm lại, hẹp bao quy đầu là hiện tượng thường gặp ở các bé trai với các triệu chứng và mức độ khác nhau. Phụ huynh cần theo dõi cẩn thận các triệu chứng và mức độ để có cách can thiệp cũng như điều trị phù hợp.