Bệnh chàm ở trẻ nhỏ là tình trạng dị ứng rất thường gặp. Đây không phải là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, đối với những bậc cha mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi con, sẽ bị hoảng loạn trước tình trạng này. Vì vậy hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về Bệnh chàm ở trẻ em và một số điều cần biết.
BỆNH CHÀM Ở TRẺ EM LÀ BỆNH GÌ?
Bệnh chàm hay chàm sữa, eczema, lác sữa là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa. Đây là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh khi trẻ từ 3 đến 24 tháng tuổi, bạn có thể hiểu đây là một bệnh rối loạn hệ miễn dịch ở trẻ.
TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT BỆNH CHÀM Ở TRẺ EM
Bệnh chàm thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi, bắt đầu bằng phát ban đỏ. Bệnh chàm có biểu hiện lở vùng da hai bên má, xuất hiện mẩn đỏ kèm theo ngứa, có vảy da, nổi mụn nước và nếu bị bội nhiễm thì nhiều trường hợp chảy mủ hoặc có mụn mủ.
Tình trạng này thường xuyên tái phát, nhất là khi thời tiết lạnh. Nhưng tổn thương cơ bản của bệnh là các mụn nước tập trung ở má, trán, cằm nhưng cũng có thể lan xuống chân, tay, lưng, bụng. Mụn nước trải qua 5 giai đoạn:
➢ Giai đoạn 1: Giai đoạn tấy đỏ khi đó có biểu hiện da trẻ sẽ đỏ, ngứa và có các mụn nhỏ li ti như hạt gạo.
➢ Giai đoạn 2: Mụn nước xuất hiện thành từng đám tập trung trên nền đỏ da.
➢ Giai đoạn 3: Giai đoạn chảy dịch/xuất tiết là các mụn nước vỡ ra chảy dịch.
➢ Giai đoạn 4: Giai đoạn đóng vảy là dịch khô lại và đóng vảy tiết, có màu vàng nhạt.
➢ Giai đoạn 5: giai đoạn bong vảy, lớp vảy bong ra và da dần trở lại trạng thái bình thường.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH CHÀM Ở TRẺ
Một số nguyên nhân khiến trẻ bị mắc tình trạng chàm da như sau:
1. Do di truyền, cơ địa: Chàm sữa thường xuất hiện ở những bé có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc những đứa trẻ có tiền sử mắc bệnh mề đay, hen suyễn, dị ứng da…thường có nguy cơ bị chàm da hơn những đứa trẻ khác.
2. Dị ứng nguồn thực ẩm của mẹ: Nếu người mẹ ăn nhiều đồ tanh, hải sản, thức ăn giàu đạm sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa, khiến cơ thể bé không kịp thích nghi, dễ gây dị ứng.
3. Môi trường: Có nhiều thứ trong môi trường có thể gây kích ứng da, chẳng hạn như bụi bẩn, khói thuốc lá, chất ô nhiễm, chất tẩy rửa, không khí khô cũng có thể làm da khô và ngứa, nhiệt độ cao có thể làm trẻ đổ mồ hôi và ngứa nặng hơn.
CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH CHÀM Ở TRẺ EM
Để có thể điều trị một cách hiệu quả tình trạng chàm sữa ở trẻ, các bậc phụ huynh cần tham khảo các biện pháp sau đây:
Chế độ ăn uống hợp lý
Các mẹ nên tránh cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây kích thích hoặc lên men như hải sản, trứng, đậu phộng, cà chua.
Ngoài ra, các bà mẹ cũng nên duy trì việc cho trẻ bú mẹ lâu nhất và tốt nhất là cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng trở lên. Trong quá trình cho trẻ bú sữa mẹ, chế độ ăn uống của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa của trẻ nhỏ. Vì vậy để tránh trường hợp trẻ bị kích ứng, người mẹ cũng nên quan tâm đến chế độ ăn uống của bản thân.
Sử dụng thuốc điều trị chàm
Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh chàm, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám chính xác nhất về tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp.
Bác sĩ kê đơn cho trẻ những loại thuốc đặc trị theo từng mức độ bệnh khác nhau. Cha mẹ cần tránh tự bôi thuốc hoặc dùng các loại lá dân gian để đắp ngoài da cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì lúc này da bé rất nhạy cảm.
➢ Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng nên áp dụng một số mẹo giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh chàm ở trẻ:
● Vào mùa đông, không khí hanh khô nên cần sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để da bé không bị khô.
● Nếu trẻ thường xuyên cáu gắt, căng thẳng thì cần tìm cách xoa dịu trẻ, tâm lý không tốt sẽ khiến bệnh chàm nặng hơn.
● Không tắm cho trẻ bằng nước quá nóng, chỉ dùng nước ấm vừa phải.
● Dưỡng ẩm da trẻ hàng ngày sau khi tắm bằng kem dưỡng dịu nhẹ cho dù trẻ không ở giai đoạn bùng phát. Nếu trẻ đang trong thời kỳ bùng phát, bạn có thể thoa kem nhiều lần trong ngày. Việc làm này sẽ giúp da trẻ luôn giữ được độ ẩm cần thiết trên da.
● Giặt quần áo cho bé bằng loại bột giặt dịu nhẹ phù hợp với làn da nhạy cảm.
● Kiểm tra nhiệt độ phòng để duy trì nhiệt độ và độ ẩm tối ưu cho làn da của bé.
● Cho trẻ mặc quần áo cotton mềm mại, thoáng khí và tránh các loại vải len vì chúng có thể gây kích ứng da.
● Thay tã cho bé thường xuyên, ngay cả khi bé không bị hăm tã.
● Không để trẻ trầy xước da.
Trên đây Chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về Bệnh chàm ở trẻ em và một số điều cần lưu ý. Chúc bạn có được kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho mình. Đừng quên rằng mỗi ngày chúng tôi luôn cập nhật nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, hãy đón xem nhé.