Bệnh thủy đậu ở trẻ em - lành tính nhưng nguy hiểm

Thủy đậu là căn bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên do sức đề kháng còn non yếu, chưa đủ sức chống chọi với mầm bệnh virus mà thủy đậu ở trẻ em là phổ biến hơn cả. Tuy chỉ là bệnh lành tính và khỏi nhanh, nhưng bệnh vẫn có những biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu cha mẹ bé chủ quan trong việc chăm sóc.

Thủy đậu là bệnh gì?

Thủy đậu thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm trên da được gây ra bởi virus Varicella Zoster. Theo ghi nhận có hơn 90% người dân chưa được tiêm phòng vaccine có nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ có thai.

Thủy đậu phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi

Thủy đậu lây lan như thế nào?

Bệnh thủy đậu có tốc độ lây truyền nhanh, truyền trực tiếp từ người này sang người kia. Con đường lây truyền bệnh thường qua không khí, người khỏe mạnh sẽ bị bệnh nếu dính nước bọt từ bệnh nhân thủy đậu khi họ hắt hơi hoặc ho,... Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ bùng lên thành ổ dịch.

Ngoài ra, thủy đậu có thể lây từ dịch nốt phỏng bị vỡ hoặc vùng da tổn thương, lở loét từ bệnh nhân thủy đậu. Đặc biệt, ở phụ nữ có thai khi bị thủy đậu sẽ có nguy cơ lây truyền cho thai nhi rất cao thông qua nhau thai.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em sẽ diễn tiến qua 4 giai đoạn, các dấu hiệu ở mỗi giai đoạn đều khác nhau.

Giai đoạn ủ bệnh

Kéo dài từ 10 - 20 ngày, lúc này cơ thể trẻ đã bị nhiễm virus nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào nên rất khó để nhận biết.

Giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Giai đoạn khởi phát bệnh thủy đậu, bé sẽ gặp triệu chứng sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, nhức đầu. Trong 24 - 48 giờ đầu sẽ xuất hiện những nốt phát ban đỏ đầu tiên với đường kính vài milimet. Một số trẻ còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.

Trẻ sẽ bị sốt khi mắc thủy đậu

Giai đoạn toàn phát

Trẻ bị bệnh thủy đậu tới giai đoạn này sẽ bắt đầu bị sốt cao, buồn nôn, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ. Các nốt ban đỏ trên da bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, có đường kính từ 1 - 3 milimet, trẻ sẽ cảm thấy ngứa rát và khó chịu khi mọc mụn nước.

Khắp cơ thể trẻ ở giai đoạn này sẽ xuất hiện mụn nước mọc kín toàn thân, thậm chí mọc cả vào trong niêm mạc khiến việc ăn uống của trẻ trở nên khó khăn. Nếu trẻ bị nhiễm trùng mụn nước, nốt mụn sẽ có kích cỡ lớn hơn, dịch bên trong có màu đục do chứa mủ.

Giai đoạn hồi phục

Bệnh thủy đậu ở trẻ em sau khi phát bệnh được 7 - 10 ngày, các nốt mụn nước sẽ tự vỡ ra rồi khô lại và bong vảy, sau đó dần dần hồi phục trở lại.

Ở giai đoạn hồi phục này, cha mẹ cần vệ sinh cẩn thận các vết thủy đậu trên người trẻ, tránh để nhiễm trùng. Đồng thời sử dụng kết hợp các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm để tránh tình trạng sẹo rỗ do thủy đậu để lại.

Bệnh thủy đậu gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

Không nên chủ quan với bệnh thủy đậu ở trẻ em vì bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, thậm chí là ảnh hưởng tới cả tính mạng. Có thể kể đến các biến chứng sau đây:

  • Bệnh zona thần kinh: Tuy trẻ đã khỏi bệnh nhưng virus thủy đậu vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh của trẻ. Virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh vào thời điểm mà hệ thần kinh của trẻ suy yếu.    
  • Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát: Các nốt mụn nước bị xuất huyết bên trong khi mụn nước bị vỡ, trầy, bong tróc sẽ dẫn tới nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát, tạo mủ, lở loét. Sau khi trẻ khỏi bệnh sẽ để lại sẹo sâu khó trị.
  • Viêm não, viêm màng não: Bệnh thủy đậu ở cả trẻ em và người lớn đều gây biến chứng viêm não, viêm màng não. Tình trạng này xảy ra sau khi nổi bong bóng nước 1 tuần. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Trẻ có thể bị viêm màng não nếu mắc thủy đậu

  • Hội chứng liệt Landry: Là biến chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Biến chứng này liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên, làm tứ chi tê yếu, liệt dần rồi lan sang toàn thân.
  • Viêm thanh quản: Do mụn thủy đậu mọc ở khoang miệng hay niêm mạc miệng dẫn tới nhiễm trùng, sưng tấy.
  • Viêm võng mạc: Virus gây bệnh thủy đậu  còn có thể xâm nhập vào cả giác mạc gây ảnh hưởng tới mắt, gây nên bệnh viêm võng mạc.
  • Viêm cầu thận cấp: Bệnh thủy đậu ở trẻ em nếu diễn biến nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận như bệnh viêm thận, viêm cầu thận cấp.
  • Viêm tai ngoài, tai giữa: Trong trường hợp mụn nước mọc ở trong tai có thể gây biến chứng viêm tai ngoài, viêm tai giữa ở trẻ em.

Ứng phó với thủy đậu ở trẻ em

Việc chăm sóc trẻ đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng của bệnh cũng như giúp bé mau khỏi bệnh. Cha mẹ cần phải:

  • Cho trẻ bị mắc thủy đậu ở phòng cách ly áp lực âm để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cho người khác. Sau khi xuất viện vẫn cần được cách ly cho đến khi bé khỏi bệnh hẳn. 
  • Người nuôi bệnh phải đeo khẩu trang. Khi đưa trẻ đến khám chuyên khoa hoặc thực hiện các thăm dò cũng cần đeo khẩu trang cho bé. Ngoài ra còn cần vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc cho bé.
  • Sử dụng dung dịch xanh - methylen hay castellani bôi lên các mụn nước hoặc vết phỏng đã vỡ.

Cha mẹ cần chăm sóc kỹ càng cho bé bị mắc thủy đậu

  • Tuyệt đối không cho trẻ gãi khiến mụn nước và vây mủ ra vùng da lân cận. Tốt nhất nên cho trẻ đeo bao tay vải để tránh tác động vào mụn nước.
  • Kết hợp thuốc kháng sinh hoặc thuốc hạ sốt cho bệnh nhân thủy đậu phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh sạch sẽ mũi họng mỗi ngày với nước muối sinh lý 0,9%.
  • Cho trẻ mặc quần áo mềm mại, thấm mồ hôi và cần đặc biệt chú ý giữ vệ sinh da cho trẻ, đề phòng biến chứng không mong muốn. Tắm cho bé bằng nước ấm và thay quần áo ngay trong phòng tắm.
  • Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Đặc biệt, cho trẻ uống thật nhiều nước hoặc nước trái cây.
  • Các đồ dùng cá nhân như khăn, ly, muỗng, đũa,... phải sử dụng riêng biệt, không được dùng chung với bất kỳ ai.
  • Tránh đến những khu vực đông người để ngăn ngừa lây nhiễm.
  • Hạn chế ra gió vì cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và làm cho bệnh ngày càng tồi tệ hơn.

Phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ

Với sự phát triển của nền y học hiện đại, vaccine ngừa thủy đậu hiện nay rất có hiệu quả. Bố mẹ có con nhỏ cần theo dõi và cho trẻ tiêm ngừa theo đúng lịch:

  • Mũi 1: Khi trẻ được 1 tuổi.
  • Mũi 2: Với trẻ từ 1 - 13 tuổi: sau mũi 1 ít nhất là 3 tháng. Với trẻ từ 13 tuổi trở lên: sau mũi 1 ít nhất là 1 tháng.

Trẻ cần được tiêm phòng thủy đậu

Khi chưa tiêm ngừa bệnh thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân mắc thủy đậu phải đi tiêm ngừa ngay trong vòng 3 ngày. Lưu ý không được sử dụng chung đồ dùng cá nhân hoặc chạm vào mụn nước của người mắc thủy đậu.

Bệnh nhân thủy đậu phải được cách ly với những người trong gia đình và cộng đồng. Phòng ở của bệnh nhân thủy đậu phải dùng dung dịch tẩy rửa vệ sinh sạch sẽ.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời và xử lý đúng cách. Bố mẹ hãy chăm sóc cho bé cũng như bản thân thật kỹ lưỡng để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng đã cung cấp kiến thức hữu ích về bệnh thủy đậu ở trẻ em đến cho bạn đọc. Đừng quên vào trang vnsuckhoe.vn mỗi ngày để đón xem các thông tin chăm sóc sức khỏe bổ ích nhé!

tin y tế

dinh dưỡng