Một số bệnh lý tim mạch thường gặp

Bệnh tim mạch là bệnh lý thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm nhưng có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam. Mỗi năm, bệnh lý về tim mạch cướp đi khoảng hơn 17,9 triệu sinh mạng. Tuy đây là bệnh nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết được những dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh này. Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để biết thêm Một số bệnh tim mạch thường gặp phải.

BỆNH TIM MẠCH LÀ GÌ?

Bệnh tim mạch (CVD) là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp (cao huyết áp), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim.

Nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch là hút thuốc lá, lười vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu bia có hại.

Hiện tại, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm 31% tổng số ca tử vong. Tại Việt Nam, bệnh tim mạch chịu trách nhiệm cho 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016 tương đương với hơn 170.000 tử vong.

7 BỆNH LÝ TIM MẠCH CẦN CHÚ Ý

1. Bệnh mạch vành

Bệnh động mạch vành (CAD) bao gồm sự suy giảm lưu lượng máu qua các động mạch vành, thông thường là do các mảng xơ vữa. Các triệu chứng ban đầu của bệnh mạch vành thường mơ hồ như nặng ngực, đau thắt ngực bên trái… Các cơn đau chỉ xuất hiện khi người bệnh xúc động, gắng sức. 

Bệnh mạch vành hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học: hạn chế ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt, mặn; không hút thuốc; nên thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, giữ tâm trạng vui vẻ, tránh căng thẳng, lo âu, mệt mỏi,...

2. Bệnh động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại vi là hệ thống các động mạch vừa và nhỏ đưa máu từ tim đi nuôi các bộ phận của cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên là do mảng bám tích tụ trong các động mạch mang máu đến não, các cơ quan và tứ chi. Theo thời gian, mang bám cứng lại, thu hẹp các động mạch và hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan của cơ thể. 

Những triệu chứng điển hình của bệnh động mạch ngoại biên như: Đau cách hồi, cảm giác đau mỏi, yếu ở chân, xuất hiện những vết loét, hoại tử ở tứ chi,...

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách không hút thuốc lá, điều trị tốt tình trạng xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, béo phì nếu có.

3. Cao huyết áp

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

Triệu chứng của bệnh cao huyết áp thường khá mờ nhạt. Đúng với cái tên “kẻ giết người thầm lặng”, cho đến khi bệnh tiến triển đến giai trọng rất nghiêm trọng, cao huyết áp thường không xuất hiện những triệu chứng rõ ràng nào. Nếu có cũng là những triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm hơn là chảy máu cam.

Biện pháp điều trị bệnh cao huyết áp chủ yếu là thay đổi lối sống: Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn ít muối ( dưới 6g/ngày), rèn luyện thể dục thể thao đều đặn, hạn chế tối đa bia rượu, thuốc lá,...

4. Bệnh thấp tim

Thấp tim hay bệnh tim do thấp là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (có liên quan đến miễn dịch) chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A theo phân loại của Lancefield. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

 Tùy từng trường hợp mà bệnh biểu hiện một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: Mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở khi gắng sức, đau nhói ngực trái, đặc biệt khi hít sâu, thay đổi tư thế, vã mồ hôi, huyết áp hạ thấp,...

5. Suy tim

Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng tiếp nhận máu để cung cấp cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Suy tim là hậu quả cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch. Bệnh có 4 mức độ, bao gồm: Suy tim tiềm tàng, suy tim nhẹ, suy tim trung bình, suy tim nặng.

Các triệu chứng của suy tim như: khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, kiệt sức, nhịp tim nhanh hoặc không đều bất thường, cơ thể suy nhược, đau ngực,...

Suy tim có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn do nguyên nhân gây bệnh là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim.

6. Tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não bao gồm: Nhồi máu não và xuất huyết não, màng não. Đây là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và thế giới. Để lại nhiều di chứng và tốn kém chi phí điều trị.

Các triệu chứng dễ nhận thấy của tai biến mạch máu não thường là đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu, liệt chi và rơi vào hôn mê. Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc vào thể tai biến gặp phải. Trường hợp nặng có thể rơi vào hôn mê sâu, tỷ lệ tử vong cao tới 50%.

Phương pháp để phòng ngừa tai biến mạch máu não là phát hiện sớm các nguyên nhân gây bệnh để điều trị tốt. Ngoài ra cần có chế độ ăn uống hợp lý: giảm chất béo, giảm mặn, giảm tinh bột, đường; thay vào đó, tăng cường ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia, tránh béo phì.

7. Bệnh tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh là bệnh lý tim mạch hay gặp nhất ở Việt Nam với khoảng 1 – 2%  trẻ em sinh ra mắc bệnh từ nhẹ nhất là còn ống động mạch đến nặng nhất là hoán vị đại động mạch.

Bệnh biểu hiện khó thở, thở khò khè kéo dài, thở gấp, khi hít vào lồng ngực lõm sâu, trẻ thường bị viêm phổi, tím môi và các đầu ngón tay, da xanh xao, suy dinh dưỡng nặng, chậm phát triển…

Phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh chủ yếu đến từ cha mẹ. Cha mẹ phải có sức khỏe tốt, không sinh nở khi đã quá lớn tuổi, khi mang thai nhất là 3 tháng đầu, bà mẹ không được tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia X-quang,..

Trên đây Chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về Các bệnh lý tim mạch thường gặp. Chúc bạn có được kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho mình. Đừng quên rằng mỗi ngày chúng tôi luôn cập nhật nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, hãy đón xem nhé.

tin y tế

dinh dưỡng