Nguyên nhân nổi mề đay và biện pháp phòng ngừa

Nổi mề đay là tình trạng dị ứng thường gặp ở mọi đối tượng. Đây là bệnh lý da liễu không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây ra tình trạng ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như công việc. Để biết thêm thông tin về Bệnh mề đay, nguyên nhân và cách phòng ngừa, hãy theo dõi bài viết dưới đây:

MỀ ĐAY LÀ GÌ? NHỮNG VỊ TRÍ THƯỜNG BỊ NỔI MỀ ĐAY?

Mề đay là một phát ban da đặc trưng bởi nổi sần và ngứa. Các nốt có kích thước và hình dạng khác nhau: tròn, bầu dục, hình khuyên (vòng); có kích thước từ một vài đốm đến mảng lớn hơn 10 cm. 

Những nốt mề đay ban đầu có thể xuất hiện ở một vùng da nhỏ sau đó lan rộng ra khắp toàn cơ thể nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến, với khoảng 10% – 20% dân số thế giới mắc bệnh. Phần lớn, các trường hợp mắc mề đay đều có xu hướng thuyên giảm trong vòng 6 tuần, chỉ có 5% trường hợp bệnh kéo dài hay tái đi tái lại.

 Những vị trí thường hay bị nổi mề đay:

Nổi mề đay ở mặt: Các nốt mề đay xuất hiện rải rác hoặc dày đặc trên mặt khiến người bệnh hoàn toàn mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày. 

Nổi mề đay ở mông: Vùng mông hay tiếp xúc, cọ xát nên nếu mề đay xuất hiện ở đây, người bệnh sẽ càng khó chịu.

Nổi mề đay ở chân: Mề đay đặc biệt hay nổi lên ở vùng bắp chân, chạy dọc theo ống chân.

Nổi mề đay ở tay: Tay cũng là một vị trí mà mề đay thường xuất hiện.

Nổi mề đay ở cổ: Khi mề đay nổi lên ở các nếp gấp ở cổ, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu sẽ càng tăng cao.

TRIỆU CHỨNG CỦA NỔI MỀ ĐAY

Dấu hiệu của nổi mề đay biểu hiện rất rõ ra bên ngoài nên rất dễ nhận biết:

Nổi mẩn đỏ, sần phù: Trên da bệnh nhân nổi nhiều ban tập trung hoặc rải rác khắp người. Các nốt có kích thước khác nhau và tạo thành mảng. Ban đầu các nốt ban đỏ xuất hiện ở một vùng sau đó lan rộng ra toàn thân.

Ngứa ngáy: Phát ban gây ngứa ngáy, khó chịu, càng gãi thì càng ngứa, kèm theo nóng rát. Cơn ngứa dữ dội hơn vào ban đêm và chiều tối.

Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng xảy ra khi người bệnh gãi quá nhiều để giảm ngứa. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp, chủ quan tiếp tục điều trị sẽ dẫn đến hoại tử.

Sốc phản vệ: Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã đến mức độ nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng khác: Mệt mỏi, tiêu chảy, xuất hiện mụn nước, sưng phù ở môi, mắt, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim…

NGUYÊN NHÂN GÂY NỔI MỀ ĐAY

1. Dị ứng thực phẩm: Khi bị dị ứng thực phẩm, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ xác định thực phẩm là yếu tố ngoại lai và hình thành nên phản ứng dị ứng nhằm chống lại chúng. Nổi mề đay là triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng thực phẩm. Một số loại thực phẩm giàu protein rất dễ gây ra phản ứng dị ứng là hải sản, đậu phộng, da gà, trứng,...

2. Dị ứng thuốc: Một số người bị nổi mề đay do mẫn cảm với một số thành phần thuốc như aspirin, thuốc kháng sinh, ibuprofen…

3. Do tác nhân đường hô hấp: Mề đay do hít phải các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, bụi kho, lông vũ, khói thuốc, nấm mốc, hương liệu.

4. Do côn trùng: Những người mẫn cảm, sau khi bị côn trùng cắn sẽ có phản ứng dị ứng với nọc độc của côn trùng. Lúc này, bạn sẽ có các triệu chứng như ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, khó thở và phù nề khắp người,…

5. Dị ứng hóa mỹ phẩm: Việc sử dụng mỹ phẩm không rõ thành phần, nguồn gốc, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nổi mề đay.

6. Nhiễm trùng: Sự xâm nhập của cơ thể bởi virus hoặc vi khuẩn cũng có thể thúc đẩy sự khởi phát của mề đay. Thường gặp trong viêm gan siêu vi, nhiễm trùng tai mũi họng,...

7. Do di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì tỷ lệ thế hệ sau bị bệnh thường cao gấp 2 lần so với người bình thường.

8. Do tác nhân vật lý: Mề đay có thể do các yếu tố vật lý bên ngoài gây ra như thời tiết nóng, lạnh, thói quen gãi, đổ mồ hôi,… Mề đay do yếu tố vật lý rất dễ tái phát và chuyển sang giai đoạn mãn tính.

9. Do bệnh hệ thống: Mày đay có thể xuất hiện do người bệnh mắc bệnh toàn thân như lupus ban đỏ, tiểu đường, cường giáp, viêm mạch máu...

PHƯƠNG PHÁP PHÒNG NGỪA NỔI MỀ ĐAY

Sau khi biết được tác nhân gây bệnh thì chúng ta mới có thể đưa ra những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa nổi mề đay:

● Người có cơ địa dị ứng với các chất trong phấn rôm, xà bông tắm, hải sản,... không nên tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng…

● Người bệnh nổi mề đay do lạnh cần giữ ấm, đắp khăn khi thời tiết chuyển lạnh. Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng mề đay như khói bụi, phấn hoa, côn trùng,…

● Tránh mặc quần áo bằng len, da lộn và các loại vải gây kích ứng da, đồng thời không mặc quần áo quá chật để tránh kích ứng tại chỗ do quần áo cọ xát vào da…

● Người bị nổi mề đay nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để được tư vấn thay đổi thuốc sau khi sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc đau khớp… để tránh nguy cơ nổi mề đay, dị ứng, mẩn ngứa…;

● Tắm rửa và làm sạch thường xuyên sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề về da do ký sinh trùng (bọ chét, rận, trứng chấy...) tấn công.

Trên đây Chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về Bệnh mề đay và các phương pháp phòng ngừa. Chúc bạn có được kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho mình. Đừng quên rằng mỗi ngày chúng tôi luôn cập nhật nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, hãy đón xem nhé.

tin y tế

dinh dưỡng