Phải làm thế nào khi bị chấn thương phần mềm?

Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày việc bất ngờ gặp phải các chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Chấn thương phần mềm tuy không nguy hiểm nhưng nếu điều trị sai cách có thể khiến vết thương trầm trọng hơn, gây nhiễm trùng, khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Vậy phải làm sao khi bị chấn thương phần mềm? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây:

CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM LÀ GÌ?

Chấn thương phần mềm là thuật ngữ dùng để diễn tả chung cho các loại tổn thương ở cơ, gân, dây chằng, da, mỡ, bao khớp cũng như các tổ chức liên kết khác. Hầu hết các chấn thương mô mềm là kết quả của một chuyển động đột ngột hoặc không kiểm soát được. Tuy nhiên, tổn thương phần mô mềm cũng có thể xảy ra do sử dụng quá mức hoặc các cấu trúc bị mệt mỏi mãn tính, đặc biệt là cơ và gân.

Các loại chấn thương phần mềm hay gặp bao gồm:

➤ Bong gân: Bong gân là tình trạng dây chằng bị kéo căng hoặc rách. Cụ thể, dải mô liên kết này có vai trò nối phần cuối của xương này với xương khác đồng thời ổn định và nâng đỡ các khớp trên cơ thể.

➤ Bầm tím: Vết bầm tím là một dạng tụ máu của mô, xuất hiện khi mao mạch bị tổn thương dẫn đến chảy máu cục bộ, thoát mạch vào các mô kẽ xung quanh. Hầu hết những vết này không nằm sâu dưới da, nên có thể dễ dàng quan sát thấy sự biến đổi về màu sắc.

➤ Viêm gân: Viêm gân là tình trạng gân hoặc bao gân bị sưng hoặc viêm do căng thẳng. Các triệu chứng rõ ràng nhất là sưng và đau khi vận động.

➤ Căng cơ: Đây là một dạng chấn thương phần mềm cấp tính xảy ra khi cơ, gân hoặc cả hai bị căng quá mức, dẫn đến hiện tượng rách một phần hoặc toàn bộ.

➤ Viêm bao hoạt dịch: Là tình trạng viêm túi dịch, những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, nằm giữa xương và các mô mềm, phân bố khắp cơ thể như: quanh vai, hông, khuỷu tay, đầu gối, gót chân… Nhiệm vụ chính là giúp giảm ma sát, duy trì hoạt động trơn tru của các khớp, xương.

NGUYÊN NHÂN CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM

Nguyên nhân gây ra chấn thương phần mềm được chia làm hai nhóm:

- Nguyên nhân cấp tính: Do chấn thương đột ngột (ngã, trượt, vặn mình…), thường dẫn đến bầm tím, bong gân, căng cơ.

- Nguyên nhân mãn tính: Do khớp hoặc cơ phải hoạt động liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, thường dẫn đến viêm gân và viêm bao hoạt dịch.

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ KHI BỊ CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM

Khi một chấn thương cấp tính xảy ra, điều trị ban đầu bằng phác đồ RICE thường rất hiệu quả. RICE là viết tắt của Rest, Ice, Compression và Elevation (nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và kê cao). Cụ thể như sau:

● Nghỉ ngơi 

Sau chấn thương, bạn cần nghỉ ngơi, hạn chế tối đa vận động, đi lại để giảm chảy máu và các triệu chứng đau đớn. Đồng thời, cũng cần hạn chế lực tác động lên phần bị thương, ví dụ nếu bị ở chân thì dừng việc đi lại, ở tay thì treo hay nâng đỡ bằng tay còn lại,... để ngăn ngừa tổn thương lan rộng. 

● Chườm đá

Sau khi bị tổn thương cần thực hiện chườm đá nhanh chóng để ngăn cản lượng máu tưới đến vùng bị thương, làm giảm các cơn co thắt gây đau, tình trạng sưng tấy và hạn chế chảy máu. Dùng túi chườm lạnh (túi gel) hoặc mua một bịch nước đá đập nhỏ, bọc trong khăn và chườm lên vùng đang đau nhức từ 5-10 phút, giữa những lần chườm cách nhau khoảng một giờ. Lưu ý không nên chườm quá lâu hoặc chườm trực tiếp để tránh bị bỏng lạnh.

● Băng ép

Dùng băng thun (co dãn tốt) quấn nhẹ từ dưới lên trên từ 15-20 cm bên dưới, băng phủ qua vết thương và băng lên trên vùng bị thương cũng 15-20 cm. Lưu ý không nên băng quá chật sẽ có thể gây căng tức, khiến máu không lưu thông, gây phù nề.

● Kê cao

Với những vị trí bị tổn thương thì việc gác cao hơn so với tim sẽ giúp máu chảy ngược về tim, có tác dụng giảm đau, giảm phù nề hiệu quả. Trường hợp chấn thương phần mềm ở chi dưới thì kê chân lên cao còn ở tay thì treo tay bằng đai.

NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM KHI BỊ CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM

Khi bị chấn thương, ngoài những biện pháp xử lý để làm dịu cơn đau. Chúng ta cũng cần lưu ý những việc không nên làm sau đây:

● Sử dụng dầu nóng, chườm nóng

Tuyệt đối không được sử dụng dầu nóng khi bị chấn thương vì điều này sẽ làm tăng lưu lượng máu tới vị trí vết thương càng nhiều khiến cho các triệu chứng như đau, sưng nề, chảy máu nặng hơn. 

● Thoa cồn, rượu

Các phương pháp xử lý chưa được kiểm chứng theo kinh nghiệm dân gian này có thể khiến các tổn thương lan rộng, tăng nguy cơ nhiễm trùng và khả năng hồi phục lâu. 

● Massage

Khi cơn đau xảy ra dữ dội, nhiều người cho rằng xoa bóp có thể giảm đau nhưng thực tế lại ngược lại, bởi động tác này sẽ khiến máu lưu thông đến vùng bị thương nhiều hơn, sưng tấy nhiều hơn, vết thương sẽ nghiêm trọng và đau đớn hơn.

● Cố gắng vận động

Việc cố gắng vận động trong vòng 72 giờ khi bị tổn thương sẽ gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng xấu đến tình trạng chấn thương và khiến chúng nặng hơn.

Trên đây Chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã giúp bạn đọc biết được Phải làm gì khi bị chấn thương phần mềm. Chúc bạn có được kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho mình. Đừng quên rằng mỗi ngày chúng tôi luôn cập nhật nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, hãy đón xem nhé

tin y tế

dinh dưỡng