Rối loạn xuất tinh khiến nam giới mặc cảm trong chuyện chăn gối và còn có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như làm giảm khả năng sinh sản của người bệnh. Vậy cách chữa rối loạn xuất tinh như thế nào? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.
Các loại rối loạn xuất tinh ở nam giới
Rối loạn xuất tinh là một trục trặc tình dục ở nam giới, gồm các tình trạng như:
- Xuất tinh sớm: Là khi sự xuất tinh xảy ra sau một khoảng thời gian ngắn không theo chủ định và mong muốn của người đàn ông. Thời điểm xuất tinh có thể trước, trong hoặc sau khi đưa dương vật vào âm đạo. Thời gian xuất tinh ngắn (thường dưới 2 phút) khiến cho cả 2 bên đều chưa được thỏa mãn.
- Xuất tinh muộn: Trong lúc giao hợp vẫn bình thường và đầy đủ sự ham muốn, hưng phấn cùng khoái cảm cực độ nhưng nam giới không có cảm giác phóng tinh được ra ngoài hoặc rất khó khăn để xuất tinh, thậm chí sau khi quan hệ nhiều giờ mới thấy tinh dịch từ từ chảy ra.
- Xuất tinh ngược dòng: Sau khi giao hợp, thay vì xuất tinh qua lỗ sáo như bình thường thì tinh dịch của nam giới lại bị chảy ngược vào trong bàng quang.
- Không xuất tinh: Là trường hợp nam giới không có khả năng phóng tinh mặc dù khi quan hệ dương vật vẫn có khả năng cương cứng. Do không thể xuất tinh nên nam giới hoàn toàn không đạt được khoái cảm, thỏa mãn.
- Đau khi xuất tinh: Sau khi xuất tinh, nam giới không hề đạt được khoái cảm mà lại bị đau vùng xương mu khiến cho tâm lý bị ảnh hưởng. Chính vì thế, nam giới rất dễ mất hứng ở lần quan hệ sau. Tình trạng này còn khiến nam giới lo sợ, không dám xuất tinh, không mặn mà với chuyện quạn hệ và ảnh hưởng cả đến hạnh phúc hôn nhân.
- Xuất tinh ra máu: Mặc dù quá trình quan hệ tình dục diễn ra hoàn toàn bình thường nhưng tinh dịch lại có lẫn máu sau khi xuất tinh. Những trường hợp dùng bao cao su khi quan hệ sẽ dễ dàng nhận biết tình trạng xuất tinh ra máu.
- Di tinh: Là tình trạng bệnh nhân bị chảy tinh dịch ngay cả khi không quan hệ tình dục. Một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất tinh vài lần trong ngày, ngày nào cũng xuất tinh nhưng lại không đạt được khoái cảm.
- Mộng tinh: Tình trạng này thường gặp ở nam giới đang trong độ tuổi dậy thì đến trước 30 tuổi. Nguyên do bởi trong độ tuổi này là thời kỳ sung mãn về sinh lý của nam giới nên trong khi ngủ, nam giới vẫn đạt cực khoái và giải phóng tinh binh. Nhiều trường hợp bị mộng tinh khi mơ thấy những cảnh ân ái, một số khác lại bị xuất tinh khi ngủ nhưng không mơ thấy điều gì hoặc không nhớ được mình đã mơ gì.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn xuất tinh ở nam giới
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn xuất tinh, trong đó có thể kể đến:
- Các bệnh sẵn có ở nam giới như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn thần kinh, mất cân bằng nội tiết tố, suy thận, suy gan,...
- Nam giới lạm dụng thủ dâm khiến cho dương vật bị mất cảm giác khi có kích thích.
- Tuổi tác cũng là một yếu tố tác động tới khả năng xuất tinh của nam giới. Nam giới càng lớn tuổi thì tỷ lệ rối loạn xuất tinh sẽ cao hơn.
- Đã từng phẫu thuật tuyến tiền liệt, phẫu thuật bàng quang gây ra rối loạn xuất tinh, đặc biệt là xuất tinh ngược dòng.
- Tâm lý bị ám ảnh, lo âu, stress khiến nam giới mất khả năng kiểm soát sự xuất tinh.
- Sử dụng các loại thuốc đặc trị các bệnh lý như thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp, trầm cảm,... gây ra tác dụng phụ làm ảnh hưởng tới khả năng xuất tinh.
Cách chữa rối loạn xuất tinh như thế nào?
Người bệnh cần đến trực tiếp cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn rõ hơn về tình trạng rối loạn xuất tinh cũng như cần điều trị như thế nào. Dù cho dùng biện pháp gì thì sự hỗ trợ từ bạn tình/vợ là không thể thiếu để mang lại hiệu quả cao.
Đối với tình trạng xuất tinh sớm, biện pháp đầu tiên nhất cần làm là điều chỉnh tâm lý và rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai vợ chồng với các biện pháp: Bóp phần cổ dương vật lúc có cảm giác sắp xuất tinh sẽ giúp trì hoãn xuất tinh hoặc áp dụng động tác “giao hợp ngắt quãng”. Tuy kỹ thuật này khá hiệu quả nhưng đòi hỏi người đàn ông phải tập luyện thuần thục.
Về thuốc điều trị xuất tinh sớm có nhiều loại và hiệu quả trên từng bệnh nhân khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng điều trị, thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Chẳng hạn như thuốc chẹn thụ thể giao cảm có tác dụng trì hoãn xuất tinh sớm nhưng theo một số báo cáo lại cho thấy dùng thuốc này bệnh nhân có thể xuất tinh mà không có tinh dịch. Kem hay thuốc xịt gây tê đầu dương vật sử dụng trước khi giao hợp cũng mang lại kết quả, nhưng nó lại làm tê cứng âm đạo nên sau khi bôi/xịt thuốc cần lau sạch trước khi giao hợp để tránh tác dụng phụ này. Nhóm thuốc ức chế sự tái hấp thu chọn lọc serotonin được dùng trong điều trị xuất tinh sớm nhưng tác dụng phụ thường gặp là cảm giác khó chịu ở dạ dày, ruột. Một loại khác là thuốc chống trầm cảm 3 vòng clomipramine có tác dụng làm giảm cảm giác lo âu nhưng gây khô miệng và mờ mắt,...
Đối với các rối loạn xuất tinh còn lại, cần tìm nguyên nhân nội khoa hoặc ngoại khoa để có phương pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp xuất tinh ngược dòng, là do hậu quả của tổn thương thần kinh giao cảm chi phối phản xạ xuất tinh và đóng mở cổ bàng quang. Nguyên nhân có thể đến từ chấn thương tủy sống, nhất là vùng chùm đuôi ngựa, hay chẳng hạn như phẫu thuật nạo hạch vùng bụng trong điều trị ung thư, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt,... Do đó mà bệnh nhân bị khiếm khuyết ở cổ bàng quang do chấn thương có thể phẫu thuật phục hồi, tái tạo để điều trị xuất tinh ngược dòng nhưng hiệu quả còn hạn chế. Ngoài ra, các bệnh nhân bị xuất tinh ngược dòng còn có thể điều trị bằng thuốc cường giao cảm.
Tình trạng xuất tinh muộn hay không xuất tinh còn có thể liên quan đến một số bệnh nội khoa như tổn thương thần kinh ngoại biên do bệnh đái tháo đường hoặc dùng thuốc ức chế giao cảm. Trong trường hợp này, nếu phẫu thuật cải thiện chức năng thần kinh ngoại biên hoặc kiểm soát đường huyết ổn định ở các bệnh nhân bị đái tháo đường cũng cải thiện tình trạng xuất tinh muộn.
Đau khi xuất tinh có thể đến từ bất kỳ nguyên nhân nào gây viêm hoặc nhiễm trùng các cơ quan liên quan đến quá trình xuất tinh. Bác sĩ điều trị sẽ cần làm rõ nguyên nhân của cơn đau và điều trị một cách thích hợp. Việc điều trị có thể là một đợt kháng sinh để chống nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng có thể được giới thiệu đến bác sĩ tiết niệu trong trường hợp bệnh phức tạp.
Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng đã cung cấp được kiến thức hữu ích về cách chữa rối loạn xuất tinh đến cho bạn đọc. Đừng quên vào trang vnsuckhoe.vn mỗi ngày để đón xem các thông tin chăm sóc sức khỏe bổ ích nhé!