Tình trạng trầm cảm ở trẻ em Việt Nam hiện nay

Trầm cảm ở trẻ em đang là vấn đề đáng cảnh báo ở nước ta hiện nay. Đặc biệt trong những năm vừa qua, xảy ra không ít vụ tự tử của một số người trẻ tuổi, với nguyên nhân ban đầu được cho là trầm cảm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu hơn về Bệnh trầm cảm và thực trạng trầm cảm ở trẻ em hiện nay để có thể tránh được những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra với con mình.

TRẦM CẢM LÀ GÌ?

Trầm cảm hay rối loạn trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Một người được cho là mắc bệnh trầm cảm là khi mắc phải những triệu chứng như: tâm trạng buồn bã kéo dài ít nhất hai tuần liên tiếp, lòng tự trọng thấp, mất hứng thú với các hoạt động bệnh nhân từng cảm thấy thú vị, hay các hoạt động bình thường cũng dần trở nên khó khăn với bệnh nhân, cảm thấy uể oải thiếu năng lượng, đau nhưng không rõ nguyên nhân…

Điều nguy hiểm nhất là khi trầm cảm khiến cho người đó có những ý tưởng kỳ lạ, làm hại đến bản thân (như nghiện rượu, nghiện chất kích thích, gây nghiện, tự rạch da, tự cắt tay...), đặc biệt là ý nghĩ và hành vi tự sát, kết liễu cuộc sống.

NGUYÊN NHÂN GÂY TRẦM CẢM Ở TRẺ EM

1. Áp lực học tập

Trẻ em hiện nay phải chịu áp lực học tập rất lớn ngay cả khi vừa đặt chân vào ghế nhà trường. Việc dành hầu hết cả ngày chỉ để học sẽ khiến trẻ bị căng thẳng, mệt mỏi.

Ngày nay có rất nhiều bậc phụ huynh đặt áp lực học tập quá lớn đối với trẻ, luôn đưa ra cho trẻ những kỳ vọng và mục tiêu cao hơn khả năng của trẻ. Vì vậy, chúng thường không có thời gian để tự do vui chơi, giải trí đúng với lứa tuổi của mình, thậm chí còn không có thời gian để nghỉ ngơi. Tình trạng này sẽ gây ám ảnh rất lớn đối với trẻ, trẻ sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi học tập.

2. Di truyền

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 6 rất dễ mắc các triệu chứng trầm cảm nếu người thân của trẻ như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột… mắc bệnh này hoặc bệnh tâm thần liên quan.

3. Bị cha mẹ áp đặt

Một số ít trường hợp cha mẹ lại can thiệp quá nhiều vào những sở thích cá nhân và tự đưa ra lựa chọn, quyết định về việc học tập, vui chơi của trẻ nhỏ. Nếu trẻ thường xuyên phải thực hiện những việc mà mình không mong muốn sẽ làm cho trẻ bị khó chịu và cảm thấy không được tôn trọng.

Nhiều đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ trở nên bướng bỉnh, cáu kỉnh và cực kỳ nổi loạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tạo ra khoảng cách lớn giữa cha mẹ và con cái, lâu dần trẻ sẽ ít chịu trò chuyện, chia sẻ với những người xung quanh, từ đó làm tăng nguy cơ trầm cảm.

4. Bạo lực học đường

Trẻ em bị bạo lực ở trường thường muốn trốn tránh và chịu đựng một mình. Đứa trẻ dường như không chia sẻ điều này với bất cứ ai và luôn trong trạng thái sợ hãi và hoảng loạn. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn mà không có sự can thiệp tốt, trẻ sẽ bị ám ảnh, lâu dần trở nên nhút nhát, rụt rè và sẽ tự cô lập mình, rất dễ khiến trẻ bị trầm cảm. 

5. Ảnh hưởng từ gia đình

Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong những gia đình hạnh phúc, yêu thương nhau có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm rất thấp. Ngược lại, những đứa trẻ sống trong gia đình thường xuyên xảy ra bất đồng, cha mẹ không hạnh phúc, không nhận được sự quan tâm, yêu thương, thường xuyên bị mắng mỏ, bạo hành, chỉ trích sẽ dễ gặp vấn đề và phát sinh các triệu chứng trầm cảm.

6. Cú sốc tinh thần

Những trẻ từng trải qua những cú sốc tâm lý như mất người thân, kết quả học tập kém, bị xâm hại tình dục, cha mẹ ly hôn, thường xuyên bị đánh đập sẽ dễ bị trầm cảm hơn bình thường.

TÌNH TRẠNG TRẦM CẢM Ở TRẺ EM HIỆN NAY

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Nếu như nói trước đây phần lớn bệnh nhân trầm cảm tập trung ở độ tuổi 60-65 tuổi thì hiện nay đối tượng bệnh nhân trầm cảm trẻ hóa, độ tuổi rơi vào khoảng 15-27 tuổi.

Thời gian gần đây các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm ở độ tuổi trẻ em, học sinh, sinh viên.  Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay. 

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Đáng báo động hơn là tình trạng tự tử do trầm cảm đang ngày một tăng lên và ngày càng trẻ hóa. Thống kê mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nếu như năm 2003, tỷ lệ có ý định tự sát trong thanh thiếu niên từ 14 – 25 tuổi là 3,4%, thì đến năm 2010 đã tăng lên 4,1%. Điều tra mới nhất do Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra năm 2020 cho thấy, trong số 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11 - 17, có 11% cho biết có ý tưởng tự sát trong vòng 1 năm qua.

Vậy mới nói, trầm cảm đang là căn bệnh nguy hiểm cần được quan tâm nhất hiện nay. Các bậc phụ huynh cần để tâm đến con cái của mình hơn, không nên xem nhẹ bệnh trầm cảm ở trẻ em vì nó sẽ để lại những hệ quả rất đáng tiếc.

 

Trên đây Chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về Tình trạng bệnh trầm cảm ở trẻ em hiện nay. Chúc bạn có được kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho mình. Đừng quên rằng mỗi ngày chúng tôi luôn cập nhật nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, hãy đón xem nhé.

 

tin y tế

dinh dưỡng