Viêm tai giữa là bệnh lý khá phổ biến ở độ tuổi trẻ em. Bệnh tuy không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi, nhưng các bậc phụ huynh nếu không quan tâm đến tình trạng viêm nhiễm của trẻ, khi bệnh trở nặng sẽ để lại nhiều di chứng về sau. Vì vậy hãy cùng trang bị cho mình kiến thức về viêm tai giữa ở trẻ em qua bài viết dưới đây:
VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ EM LÀ BỆNH GÌ?
Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp do nhiễm trùng hoặc ứ đọng dịch trong hòm tai mà thành, gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng do đặc điểm giải phẫu và sinh lý của trẻ em có nhiều điểm khác biệt với người lớn, nên trẻ em thường hay bị viêm tai giữa hơn.
Theo số liệu thống kê, hơn 80% trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một đợt ở tuổi lên 3. Mặc dù đối tượng viêm tai giữa chủ yếu là trẻ em nhưng chúng ta vẫn không nên chủ quan vì bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trưởng thành.
NGUYÊN NHÂN VÌ SAO TRẺ EM HAY BỊ VIÊM TAI GIỮA?
1. Do hệ miễn dịch của trẻ
Trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu tiên phải nhận miễn dịch bị động từ sữa mẹ và các nguồn sữa khác nên hệ miễn dịch vẫn chưa phát triển đầy đủ, không thể ngăn chặn các tác nhân gây bệnh hiệu quả, nhất là vi khuẩn tấn công đường hô hấp và tai giữa.
2. Do cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh
Tai trong của chúng ta được kết nối trực tiếp với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác. Bình thường, ống thính giác được mở ra cho phép chất lỏng và tạp chất ở tai giữa có thể thoát ra ngoài. Tuy nhiên, do cấu trúc tai ở trẻ em chưa được hoàn thiện, Vòi nhĩ nối giữa tai và mũi họng của trẻ em ngắn, nằm ngang hơn so với người lớn nên viêm nhiễm ở mũi họng dễ lan lên tai.
3. Do trẻ em thường mắc các bệnh tai mũi họng
Viêm tai giữa thường là biến chứng từ các bệnh viêm mũi họng mà trẻ hay gặp khi thời tiết chuyển mùa như: viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, viêm họng,...
Ngoài ra, do trẻ em hay nôn trớ khiến dịch dạ dày và sữa trào vào vòi nhĩ. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm tai giữa hình thành và phát triển.
CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO TRẺ BỊ VIÊM TAI GIỮA
Các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để xác định xem bé có bị viêm tai giữa hay không vì trẻ em còn qua nhỏ không thể nói được. Những biểu hiện thường thấy khi bé bị viêm tai giữa:
➣ Sốt: Trẻ bị sốt từ 39 đến 40 độ C, đau đầu nên sẽ quấy khóc. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên loại trừ trường hợp bé bị sốt do thời tiết hoặc do các bệnh nhiễm trùng khác.
➣ Đau tai: Dấu hiệu viêm tai giữa thường gặp nhất là đau tai. Nếu trẻ còn quá nhỏ chưa thể nói được, bố mẹ cần chú ý đến những biểu hiện của trẻ như: khó ngủ, hay quấy khóc, nước hoặc mủ trong tai nhỏ ra bên ngoài, không cho bố mẹ chạm vào tai vì đau, dùng tay dụi hoặc kéo vành tai rồi khóc,..
➣ Rối loạn tiêu hóa: Viêm tai giữa cấp tính có thể khiến đường tiêu hóa của trẻ gặp vấn đề như đi ngoài, phân lỏng…do đờm, dịch. Hoặc trẻ sẽ chán ăn, ăn không ngon miệng gây sụt cân.
➣ Chảy mủ: Nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời thì đây chính là biểu hiện của bệnh viêm tai giữa mãn tính ở trẻ. Các triệu chứng như đau tai, quấy khóc ở giai đoạn này của trẻ sẽ thuyên giảm hẳn, cha mẹ dễ lầm tưởng là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trẻ phản ứng kém với âm thanh, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ gấp để có cách điều trị nếu không sẽ rất nguy hiểm.
CÁCH ĐIỀU TRỊ VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ EM
Thông thường viêm tai giữa ở trẻ là biến chứng từ các bệnh lý viêm mũi họng, nên chỉ cần điều trị nguyên căn của bệnh lý này. Nếu viêm tai giữa không quá nghiêm trọng thì sẽ tự khỏi sau vài ngày, các triệu chứng bệnh sẽ từ từ thuyên giảm rồi biến mất. Tuy nhiên nếu cha mẹ nhận thấy tình trạng nhiễm trùng của trẻ tiến triển xấu hơn, nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
Cách chữa viêm tai giữa tại bệnh viện thường được thực hiện theo những cách sau:
1. Điều trị bằng thuốc
Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị viêm tai giữa. Người bệnh sẽ được bác sĩ kê thuốc theo đơn như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm phù nề, thuốc xịt mũi, bơm hơi vòi nhĩ.
Nếu thủng màng nhĩ, người bệnh cần nhỏ thuốc nhỏ tai kết hợp với vệ sinh tai, hút sạch mủ bằng nước muối sinh lý và dung dịch sát khuẩn thích hợp, tránh làm tắc ống tai.
2. Phẫu thuật
Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả và tình trạng viêm nhiễm lan rộng, người bệnh có thể phải điều trị ngoại khoa như nạo VA; cắt amidan; đặt ống thông khí tùy theo tình trạng cụ thể của từng người mà các bác sĩ có thể áp dụng.
CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ EM
Các bậc phụ huynh cần áp dụng một số biện pháp sau để giúp trẻ tránh bị viêm tai giữa:
- Hạn chế cho con bạn tiếp xúc với những đứa trẻ mắc bệnh cảm lạnh
- Tuyệt đối không nên để nước nhỏ vào tai nhất là khi tai trẻ đang bị viêm nhiễm.
- Không cho trẻ nằm bú sữa mẹ hoặc nằm bú bình sữa. Nhiều bà mẹ có thói quen nằm giường và cho bé nằm bú khiến bé bị sặc sữa lên vùng mũi, vùng tai.
- Giữ vệ sinh tai cho bé sạch sẽ bằng khăn mềm. Sau khi rửa mặt hay lau tai, giặt khăn sạch và phơi khô.
- Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian.
- Giữ ấm tốt cho trẻ, vừa giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp vừa hạn chế viêm tai giữa biến chứng.
Trên đây vnsuckhoe.vn đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Chúc bạn có được kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho mình. Đừng quên rằng mỗi ngày chúng tôi luôn cập nhật nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, hãy đón xem nhé.